Câu lạc bộ dù lượn Hà nội - Hanoi Paragliding Club
Giới thiệu | Huấn luyện | Thiết bị | Thời tiết | Thành viên | Diễn đàn

 
 

 

Huấn luyện

An toàn trong dù lượn và Phòng ngừa tai nạn
Bùi Thái Giang dịch

Trong số các môn thể thao hàng không, dù lượn có lẽ là an toàn nhất. Tuy vậy, trừ khi tập luyện và chơi một cách nghiêm túc với thái độ lắng nghe và chú ý hết sức, đây vẫn là một môn chơi hết sức nguy hiểm.

Tập luyện và bay trong giới hạn an toàn cho phép
Là một người mới chơi dù lượn, ham muốn được bay lên trời có thể lại là sự thất vọng lớn. Sự hăng hái nhiệt tình hay đam mê là tốt nhưng không phải là lý do để ‘cúp cua’.

Một điều quan trọng để đảm bảo cho việc chơi dù lượn của ta là an toàn đó là phải tập luyện một cách chuyên nghiệp. Có thể tìm và đăng ký tập luyện tại các CLB dù lượn. Tập luyện một cách đúng đắn không chỉ giúp ta học được những kiến thức cơ bản mà còn giúp ta đánh giá và hiểu rõ rủi ro, trang bị cho chúng ta những kỹ năng và có lẽ quan trọng hơn giúp ta có một thái độ đúng đắn đó là đặt mục tiêu an toàn là hàng đầu.

Hãy luôn luôn theo dõi thời tiết
Nếu là lái xe thì tốc độ trên đường phụ thuộc vào điều kiện thời tiết hiện hành. Ví dụ ta khó mà phóng với tốc độ 120km/h khi đường đóng băng tuyết. Ta cũng nên có thái độ tương tự trong dù lượn dù cho là trên trời việc đi lại đỡ đông đúc hơn. Hầu hết vòm dù có tốc độ cao nhất là 40 km/h, bất kể là trình độ và kinh nghiệm bay thế nào, cho nên, nếu tốc độ gió tăng lên trên 30 km/h, ta nên thu dù đợi đến ngày khác có gió đẹp để bay. Ở địa hình đồi núi, gió mạnh có tác động còn mạnh hơn đối với vấn đề an toàn vì thường là ta sẽ phải đối phó với nhiều turbulence hơn. Ngay cả những phi công giàu kinh nghiệm cũng sẽ không bay ra khỏi núi nếu gió mạnh trên 25 km/h.

Một thái độ lành mạnh cần có trong trường hợp thời tiết đáng lo ngại là thà ở dưới mặt đất và nghĩ là mình đang bay ở trên trời còn hơn là đang ở trên trời mà muốn xuống đất. Hãy nghĩ về định luật vạn vật hấp dẫn theo cách sau: bay lên luôn là một sự lựa chọn [không bắt buộc] còn hạ cánh thì không!

Biết rõ sức mình tới đâu
Như bất kỳ môn thể thao nào, ta luôn thấy mình chơi ‘prồ’ hơn một số người này và kém hơn một số khác, chỉ qua việc ta quan sát các phi công khác bay trên trời, điều quan trọng là cần phải biết hết sức rõ những hạn chế cụ thể của chính bản thân mình. Nhiều phi công đã nuối tiếc là mình đã cất cánh bay trong điều kiện thời tiết xấu hoặc cố gắng thực hiện các động tác cơ động phức tạp mà chưa được huấn luyện thành thục chỉ vì là đã nhìn thấy những người khác làm như vậy. Hãy ghi nhớ là trình độ bay của chúng ta là hoàn toàn khác nhau.

Cảm thấy sự nguy hiểm hiển hiện là một cách tiếp cận lành mạnh trong dù lượn. Đúng, ta vẫn đủ tự tin ngay cả khi biết rõ tất cả những rủi ro tiềm tàng kia, ta cần có thái độ thận trọng và an toàn hơn trong cách bay, hãy bỏ qua ‘cái tôi’ mà ta có thể có khi bay.

Hiểu rõ điểm bay
Nếu ta bay ở một điểm mà trước đây chưa từng bay bao giờ, cần nghiên cứu kỹ trên internet để tìm mọi thông tin về điểm bay này. Tìm cách nắm rõ mọi mối nguy cơ tiềm tàng và những gì mà ta cần phải để mắt tới. Và một khi ta đã đến điểm bay này, hãy trao đổi với các [phi công] ‘thổ dân’. Nói cho họ biết trình độ bay và kinh nghiệm của mình, chớ có ngại hỏi xin những lời khuyên. Trước tiên họ sẽ tôn trọng ta hơn và cho ta nhiều thông tin và lời khuyên quý giá.

Bảo quản và chăm sóc trang thiết bị
Trang thiết bị bay có được kiểm tra hàng năm bởi các chuyên gia có kinh nghiệm, hay cửa hàng đại lý hay không? Dây dù cần được kiểm tra về tình trạng hao mòn, chùng hay giãn, và độ lọt khí của vòm dù. Cũng cần nói thêm là dù dự bị cần được gấp lại hàng năm.

Mọi quyết định cần được đưa ra một cách rõ ràng ‘Trắng đen’
“Có thể”, “có lẽ” và những từ ngữ tương tự mà ta không nên đưa vào trong ngôn ngữ của phi công dù lượn. Không có chỗ cho những vùng xám. Do đó, nếu ta thấy mình còn phân vân, “có thể gió sẽ nhẹ bớt đi khi ta bay lên trên đó” hoặc “ta có thể bay đến được bãi đáp”, điều đó có nghĩa là CHỚ CÓ BAY!
 

Nguồn: Paragliding Safety and Preventing Accidents