Câu lạc bộ dù lượn Hà nội - Hanoi Paragliding Club
Giới thiệu | Huấn luyện | Thiết bị | Thời tiết | Thành viên | Diễn đàn

 
 

 

Huấn luyện

Tránh bị thổi sau núi (blow back)
Bùi Thái Giang dịch

Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất mà phi công dù lượn phải đối mặt là bị thổi dạt về sau vách núi (blow-back). Một khi bị rơi vào tình huống blow-back thì các ‘hình phạt’ kèm theo sẽ bao gồm đường dây điện, turbulence cực kỳ mạnh, hạ vào cây, và thậm chí tử vong hoặc bị thương là kết quả của các vấn đề trên gây ra.

‘Phòng bệnh hơn chữa bệnh’ đó là cách tốt nhất để tránh một kịch bản như vậy. Không cất cánh vào những ngày có gió lớn là một thói quen tốt, nhưng blow-back có thể xảy đến do có các tình huống và các yếu tố khác. Tại một số điểm bay, việc cất cánh được thực hiện ở một điểm thấp hơn nhiều so với vách núi hoặc ngọn núi bên cạnh và tốc độ gió có thể là khác rất nhiều giữa các độ cao khác nhau. Ngoài ra, gió có thể thay đổi tốc độ bất cứ lúc nào sau khi ta đã đã cất cánh.

Bài viết này cung cấp cho các kỹ thuật để xử lý các tình huống khi gió mạnh lên và ta có thể làm gì để ngăn ngừa khả năng bị blow-back ở các điểm bay khác nhau. Bất kể là ta bay cặp vách hay bay ở các điểm bay vùng núi, các kỹ thuật để xử lý và theo dõi tốc độ gió đều như nhau. Trước hết , ta cần nắm rõ tốc độ gió khi cất cánh và liên tục theo dõi tốc độ gió trong khi bay. Nếu ta bốc lên, điều đó có nghĩa là đang có gió mạnh trên trời. Điều quan trọng trong việc ‘quản’ gió là liên tục theo dõi mọi thay đổi về tốc độ của gió.

Trước khi cất cánh, cần kiểm tra để đảm bảo là tốc độ gió là trong phạm vi trình độ và kỹ năng của ta ở điểm bay. Theo thời gian cái mà tôi [Jeff Greenbaum] đã học được đó là tốt hơn hết ta nên sử dụng thiết bị đo tốc độ - một công cụ khách quan bởi vì thật sự là khó để nói về tốc độ gió chỉ bằng cái cảm giác cảm thấy trên da thịt mình.

Một điều cũng quan trọng là cần thu thập thông tin về điểm bay. Liệu có bất kỳ vùng venturis nào mà ta cần biết? Có những chỗ nào gần điểm bay mà gió có khả năng mạnh lên hơn? Dự báo thời tiết trong ngày như thế nào và ‘thổ dân’ nói gì về ngày hôm đó? Nếu ta không có thói quen thu thập những thông tin này trước khi bay, thì đây là lúc để bắt đầu.

Cũng cần phải nói rằng nếu cánh dù của ta có hệ thống tăng tốc, thì luôn để nó sẵn sàng sử dụng khi ta bay. Điều này có nghĩa là hệ thống tăng tốc phải được điều chỉnh chính xác và kết nối cho thật đúng. Nếu khi cất cánh mà gió nhẹ rồi sau đó tăng lên đến tốc độ phải sử dụng speedbar, thì ta sẽ không có đủ thời gian sau đó để móc speedbar vào vị trí trên hệ thống dây điều khiển.

Sau khi cất cánh, cần tiếp tục sử dụng các giác quan của mình kết hợp với quan sát để theo dõi tốc độ gió. Ở các điểm bay cặp vách (bao gồm cả những điểm bay "kết hợp" = ridge lift + thermal), có hai điểm chính là ta cần phải chú ý khi theo dõi tốc độ gió. Đó là góc cặp của cánh dù [so với hướng di chuyển của cánh dù - crab angle] và tốc độ mà ta di chuyển dọc theo vách núi. Vào ngày gió nhẹ, góc cặp của ta sẽ nhỏ hơn ngày có gió mạnh. Khi tốc độ gió tăng, hai điều sẽ xảy ra:

•Góc cặp của cánh dù cần được tăng lên;
•Khả năng di chuyển dọc theo vách núi sẽ giảm.

Cố gắng điều chỉnh cho tốt 2 yếu tố này trong mọi lúc sẽ giúp khả năng ‘quản’ gió của ta tăng lên.

Ở một số điểm bay ridge soaring và thermal, ta có thể cất cánh tại một điểm thấp hơn so với vách núi hay ngọn núi cao hơn. Khi bốc dần lên từ vách thấp lên vách trên, ta phải liên tục theo dõi tốc độ gió và khả năng xuyên nhập (penetrate) của ta. Tốt hơn hết bay ở khu vực phía trước của vách núi khi gió là vừa phải hoặc mạnh. Khi bốc cao lên khỏi một vách núi, ta nên tìm cách giữ khoảng cách ngày càng xa trong khi bay lên mỗi lúc một cao hơn so với vách núi. Nếu gió đột ngột tăng cao hơn, thì khoảng cách dư này sẽ giúp ta trở lại dưới khu vực có gió mạnh hơn và giữ cho ta ở phía trước khu vực gió mạnh lên là ở trên đỉnh vách núi. Không bao giờ bay ở trên và đằng sau những vách cao, bởi vì đó chính là những nơi ta không nên bay vào.

Nếu ta bay vào một ngày gió mạnh

Chú ý là các cánh dù trong ảnh dưới đây ở xa hơn trong khi bay cao hơn.

Khi góc cặp của ta ngày càng lớn và cần hướng thẳng vào gió hơn, đó là sự cảnh báo rằng gió đang ngày một mạnh hơn. Nếu ta nhận thấy rằng gió mạnh lên và khả năng xuyên nhập bị kém đi, thì phải hành động ngay lập tức. Khi lên cao hơn thì thường có nhiều gió hơn. Ta cần nắm rõ về những dấu hiệu này về gió có như vậy thì ta mới thoát khỏi rắc rối bị blow-back.

Khi ta biết gió đang thổi mạnh hơn, ngay lập tức bay ngược gió xa khỏi vách núi và giảm độ cao để xuống tầng gió cho phép ta xuyên nhập tốt hơn. Ngay lập tức hướng khỏi vách núi và kết hợp sử dụng speedbar và big ears để đạt được sự kết hợp của cả giảm độ cao lẫn tốc độ.

Trong trường hợp gió không thẳng hướng thì cũng chẳng có gì khác biệt. Ví dụ: có một ngày mà gió thổi hướng Tây Nam (vào vách núi mặt hướng về hướng Tây), có thể xuyên nhập tốt hơn bằng cách bay thẳng hướng ngay lập tức hay đôi chút về hướng Tây Bắc. Nếu có vách nhỏ hơn ở mặt phía Bắc thì sẽ thuận lợi hơn. Điều chỉnh góc bay để tìm ra hướng tốt nhất cho phép ta thoát khỏi vách núi.

Ở các điểm bay thermal, nếu cần ta có thể điều chỉnh chỗ có thể bay (ở trên hoặc sau vách núi) dựa vào có gió nhiều hay ít. Vào ngày gió rất nhẹ, ta có thể cho phép trôi theo thermal với góc 1:1 phía trên và sau vách. Với ngày mà gió có thể kiểm soát được là trên 16 km/h, tốt hơn hết là không nên bay về phía sau quá đỉnh núi. Nếu có gió lớn và ta bắt đầu mất khả năng xuyên nhập ở trên đỉnh núi thì nghĩa là ta đã bay quá cao!

Khi học cách để xác định tốc độ gió qua việc sử dụng những kỹ thuật này, tốt hơn hết là ta nên sớm điều chỉnh khi lên cao hơn và trước khi sự việc trở nên nghiêm trọng. Sử dụng chỉ riêng speedbar không cũng giúp ta xuyên nhập tốt, nhưng có một cách tiếp cận tốt hơn là bay dưới tầng gió mà ta chẳng bao giờ cần dùng đến. Nếu có khoảng cách đủ tốt ở phía trước vách núi thì thanh tăng tốc gần như luôn luôn cho ta có thêm tốc độ khoảng 8km/h. Một khi đã quyết định là cần phải đạp speedbar, nếu ta có thể xuyên nhập mà không bị lên thêm độ cao thì khi đó ta có thể thu xếp ổn thoả tình huống mà không cần phải sử dụng big ears. Nhưng có những trường hợp khi ta xuyên nhập mà vẫn bị lên thêm độ cao. Hãy nhớ rằng, bay càng cao lên thì càng có khả năng là gió mạnh hơn. Bất cứ khi nào tình hình trở nên nghiêm trọng, thì kết hợp cả hai kỹ thuật sẽ cho kết quả tốt nhất.

Ở bất kỳ điểm bay nào, bay cặp vách hay thermal, gió ở ngay trên và sau đỉnh núi hoặc sẽ tăng 8–10 km/h vào ngày gió mạnh do hàng loạt yếu tố.

Venturi ảo + Gió ngang = Gió mà ta cảm nhận là lớn hơn

Hình trên cho thấy mặt cắt của một điểm bay cặp vách. Mặc dù hình này thể hiện điểm bay là ở ven biển, nhưng chính nguyên tắc này vẫn là đúng với bất kỳ điểm bay nào mà có lực nâng 'động' của vách. Nên nhớ rằng không khí có trọng lượng. Sự kết hợp của không khí di chuyển lên và trọng lượng của không khí ở bên trên nên không khí bị đẩy chệch hướng tạo ra một venturi ảo ở ngay phía trên và phía sau vách núi. Venturi làm tăng tốc độ gió. Một khối lượng không khí lớn hơn được dồn vào một khu vực nhỏ hơn và cách duy nhất là nó phải di chuyển nhanh hơn. (đây là cách giải thích về hiệu ứng venturi-btg)

Vào một ngày có gió, ta sẽ thấy khả năng xuyên nhập giảm khoảng 8 – 10 km/h ở trên và phía sau vách núi. Có hai nguyên nhân cho việc tốc độ gió tăng 8 – 10 km/h. Thứ nhất là venturi ảo như vừa mô tả. Lý do thứ hai là việc chuyển không khí bốc lên ở phía trước của vách núi thành gió ngang phía trên vách sẽ gây ra giảm xuyên nhập.

Khi bay ở phía trước của vách núi, cánh dù sẽ không thấy được toàn bộ sức mạnh của gió. Khả năng xuyên nhập của cánh dù chỉ liên quan tới thành phần ngang trong tốc độ của gió. Do gió ở phía trước vách núi bị lệch hướng lên trên nên khi đó cánh dù có thể xuyên nhập tốt hơn. Khi gió đã vượt qua đỉnh và di chuyển theo chiều ngang ở trên vách núi, thì cánh dù sẽ mất thêm khả năng xuyên nhập bởi vì thay đổi theo chiều ngang đối với không khí di chuyển sẽ giảm khả năng xuyên nhập. Bất kể tốc độ gió thổi là bao nhiêu, ta sẽ có tốc độ bay “địa tốc” (groundspeed) chậm hơn (xuyên nhập kém hơn) ở đằng sau không khí đang bốc lên ở phía trước của vách núi.

Vào ngày có gió mạnh, nếu đã đạt đến điểm không thể xuyên nhập ngay phía trước một khu vực nào đó, thì chắc chắn ta sẽ là một ứng cử viên số 1 bị blow-back. Bất kể việc rơi vào tình huống đó có sử dụng speedbar hay không cũng không giúp ích gì. Việc giảm khả năng xuyên nhập ở một khu vực có thể vượt quá tốc độ tăng thêm bằng cách sử dụng speedbar. Điểm then chốt ở đây là để bị dạt vào khu vực này vào một ngày gió mạnh tức là chuốc rủi ro mạng sống của mình! Có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo, như góc cặp và tốc độ di chuyển thấp [dọc theo vách núi] đưa ra những cảnh báo rằng gió quá mạnh ở vị trí hiện thời ta đang bay.

Nào, ta tự hỏi, "Điều gì sẽ xảy ra nếu ta ở trên vách núi, và không thể xuyên nhập vào khu vực phía trước. Ta cần phải làm gì khi đó?". Vâng, đây là lý do chính cho bài viết này. Điều này thực sự là khó lường và không có cách gì có thể bao quát hết vô vàn khả năng xảy ra đối với một kịch bản như vậy. Câu trả lời sẽ là khác nhau tuỳ thuộc vào điểm bay, những nguy hiểm và mức độ của tình huống này. Một phương án cho tình huống trên (ở một số điểm bay) có thể là bay xuôi gió, nếu có một khu vực an toàn để hạ cánh và có thể về điểm đáp mà không cần phải bay qua một rotor.

Như đã nói ở đầu bài viết này, ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’, đó là cách tốt nhất để tránh những hậu quả như thế này. Ngại bị blow-backvà có những hành động cần thiết trước khi bị đặt vào những tình huống tồi tệ như vậy là cách phòng chống tốt nhất.

Tóm lại:

•Nếu ta đến một điểm bay mới, cần hỏi và nhờ ‘thổ dân’ giới thiệu đầy đủ về điểm bay này.

•Hãy dùng máy đo gió kiểm tra tốc độ gió trước khi bay.

•Chuẩn bị sẵn sàng hệ thống tăng tốc cho cánh dù. Điều này có nghĩa là kết nối, điều chỉnh, và sẵn sàng sử dụng.

•Biết rằng gió có thể mạnh lên nhiều và nguy hiểm hơn khi ta bay lên cao tại bất kỳ điểm bay nào.

•Liên tục theo dõi tốc độ gió khi đang bay. (thực hiện qua góc cặp và tốc độ bay ‘ngang’ dọc theo vách núi).

•Tránh bay lên cao hơn vào ngày có gió mạnh.

•Nếu ta bay cao hơn trong gió mạnh, hãy bay ngược gió khỏi vách núi trong khi bốc lên và bay ngang vách núi.

•Cần phải biết làm thế nào và khi nào xuyên nhập về phía trước và làm thế nào để giảm độ cao xuống tầng gió thấp hơn.

•Xuyên nhập và xuống ngay sau khi nhận thấy rằng gió ngày càng mạnh lên. Khi sử dụng speedbar, mục đích của ta là bay xuống chứ không phải là ở lại trên cao trong gió mạnh.

•Tránh khu vực phía trên và phía sau đỉnh núi trong mọi trường hợp.

Nguồn : Jeff Greenbaum