Câu lạc bộ dù lượn Hà nội - Hanoi Paragliding Club
Giới thiệu | Huấn luyện | Thiết bị | Thời tiết | Thành viên | Diễn đàn

 
 

 

Huấn luyện

Giảm thiểu rủi ro cho bản thân
Bùi Thái Giang dịch

Greg Hamerton bay từ 1992 và đã bay với trên 100 vòm dù khác nhau. Greg thích bay những cái dù lái nhạy và nhanh nhưng đánh giá cao tính ổn định thụ động vì thích chụp ảnh và ngủ gà ngủ gật (snoozing) trong khi bay.

"Giữ một khoảng an toàn đủ tốt" đó là câu mà người huấn luyện viên thường khuyên. Cực kỳ tốt, nhưng điều đó có ý nghĩa gì? Làm thế nào ta có thể giảm thiểu rủi ro khi mà đã nhảy ra khỏi vách núi với miếng vải bay lơ phơ trên đầu (cộng thêm một chút ít kim khí nữa)?

Bay lượn tự do phải chịu nhiều loại rủi ro, bắt nguồn từ nhiều khía cạnh khác nhau của môi trường. Bằng cách chỉ rõ đâu là rủi ro lớn trong ngày ta có thể nỗ lực trong việc đề phòng bằng cách tăng cận biên an toàn của mình lên trong mỗi một khía cạnh khác. Ý tưởng là nhằm giảm thiểu số các yếu tố rủi ro mà người phi công có thể gặp phải tại một thời điểm.

Để chủ động quản lý rủi ro của mình, ta phải tìm cách vô hiệu hóa mối nguy hiểm cụ thể, tìm cách đạt được trạng thái 'đèn xanh' trong mỗi ‘miếng bánh’ (xem hình dưới đây). Càng để cho các mối đe dọa trườn gần tới người phi công ở trung tâm, thì 'đèn đỏ' báo động càng sáng hơn, và ta cần phải chú ý nhiều hơn với các yếu tố khác. Khi có quá nhiều yếu tố tác động đến người phi công với mức độ rủi ro cao, thì khả năng tai nạn xảy ra là khó tránh khỏi, đó thực sự là sự thất bại hoàn toàn của công tác quản lý rủi ro. Ta thường chỉ có thể để ý đến được một mối rủi ro ở một thời điểm nào đó, nhưng khi có 2 hoặc 3 mối đe dọa cùng đến một lúc thì mọi việc sẽ trở nên sôi sục. Bằng cách xem xét đánh giá lần lượt từng yếu tố một, chúng ta hy vọng rằng có thể đưa ra một số nhìn nhận về khả năng duy trì cận biên an toàn ở mức đủ tốt.

THỜI TIẾT: Bất kể kinh nghiệm của ta là ở mức nào, thời tiết bỗng nhiên xấu đi có thể 'loại ta khỏi vòng chiến’. đây là loại rủi ro quan trọng nhất mà ta cần quản lý. Điều đầu tiên ta phải làm là chủ động giảm thiểu rủi ro bằng cách theo dõi dự báo thời tiết. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng ít ra là nó cũng cho ta biết đôi chút về những gì có thể xảy ra. Dự báo thời tiết dự báo có không khí lạnh (pha lạnh - cold front) tràn qua từ sáng sau đó là gió đổi hướng 180 độ và mạnh đến 50km/h. Nếu một ngày bắt đầu bằng gió nhẹ 15km/h, thì thực ra là ta đã nghe thấy tiếng chuông báo động vang lên rồi. Thời tiết càng thay đổi nhiều thì rủi ro càng cao, bởi vì dự báo và sự xét đoán tại chỗ của chính chúng ta thường kém chính xác. Đúng thế, vậy thì khi ta ở trên đỉnh đồi, hãy cắm ống gió lên. Nếu nó thay đổi hướng từ trái qua phải, gió đang thay đổi và làm tăng rủi ro có turbulence. Nếu gió cơn giật từ 5km/h lên đến 30km/h, rủi ro của turbulence là cao hơn so với gió đều ở 20km/h. Hãy quan sát hướng gió thổi trung bình. Ống gió càng căng và thẳng thì càng có vấn đề với tiến về phía trước khi ta muốn thoát khỏi tình huống bị thổi về sau (blown back), do vậy rủi ro của ta là cao hơn nếu gió mạnh và thổi thẳng. Nhưng nếu gió lệch về một phía thì rủi ro của turbulence tăng lên, trong khi rủi ro bị thổi về sau giảm đi. Vấn đề cuối cùng là sức gió là hết sức quan trọng – gió càng mạnh, thì càng có ít rủi ro mà ta phải chịu vì mọi việc tồi tệ xảy ra cực kỳ nhanh.

CÁNH DÙ: Chỉ tới khi ta đã hoàn thành khóa huấn luyện xử trí tình huống trên không và biết rõ các giới hạn của vòm dù mình đang bay, còn không thì hiện ta đang bay với vòm dù cao cấp hơn và rủi ro hơn mức cần thiết, đặc biệt là khi đó là một vòm dù mới hoặc khi ta nâng cấp lên một cấp dù mới. Cố gắng chọn một cánh dù ta thấy thoải mái trong mọi lúc, không chỉ là trong điều kiện thời tiết thuận lợi. phân cấp dù của DHV hay AFNOR chỉ mang tính hướng dẫn, nhưng nó không cho ta biết thông tin về mức độ thường xuyên mà cánh dù bị xẹp là thế nào. Mặc dù các nhà sản xuất thường quảng cáo về tốc độ cao nhất của các cánh dù của mình, nhưng tốc độ khả dụng của dù thường là thấp hơn và bị giảm đi khi gặp turbulence, đặc biệt là với các mẫu dù có tính năng cao. Tuy nhiên nếu ta leo lên đến điểm cất cánh, gió đều và mạnh, hãy nhìn thật kỹ các cánh dù đang trên trời trước khi lôi vòm dù cấp trung ổn định của mình ra bay. Các cánh dù dài và mỏng cấp thi đấu có thể sử dụng tất cả tốc độ của chúng và có thể bay ngay cả khi ta không thể. Tuy nhiên vào những ngày nhiều turbulence, mức độ rủi ro của cánh dù của ta vẫn ở mức có thể kiểm soát được. Cuối cùng, cần thường xuyên kiểm tra kiểm định trang thiết bị và đưa đến nhà máy sản xuất kiểm tra hàng năm sẽ giúp giữ mức độ rủi ro của cánh dù ở khu vực màu xanh.

ĐIỂM BAY: Ta hãy lấy ví dụ là giả sử tất cả 5 trong số các yếu tố rủi ro của ta hiện nằm trong khu vực 'đèn đỏ’. Ta bị cảm lạnh và đầu váng vất, ta mượn một cánh dù cấp thi đấu đã cũ để đưa ra sử dụng lần đầu. Kèm theo đó là một bộ đai ngồi vải mỏng cũ. Ta không có giầy, cũng không có mũ bảo hiểm. Ta không nghe dự báo thời tiết, nhưng ai đó có nói về khả năng có gió trong điều kiện Föhn (Föhn conditions - http://www.rmets.org...inds.php#foehn). Gió mạnh, giật, và thổi chéo cạnh ở điểm cất cánh. Liệu ta có thấy nổi gai ốc không? Tốt, hãy nhìn điểm bay ngay trước mặt mình, và mọi thứ tồi tệ đang rõ ràng chỉ chực sẵn để bổ vào bạn. Hãy coi là ta bay với chỉ một nửa cánh dù, quá tệ, và đang bị quăng lung tung. Địa hình núi đá sắc nhọn làm tăng thêm rủi ro của turbulence, và hạn chế số các điểm hạ cánh khẩn cấp. Chỗ hạ cánh nhỏ có đường tiếp cận hết sức khó cũng làm tăng thêm mức độ rủi ro. Nếu không nhìn thấy có chỉ thị gió (mặt hồ, khói lửa, các cánh dù đang bay) thì rủi ro của điểm bay là cực kỳ cao. Khi bay đường dài, ta đi đến một điểm mới chừng 5 phút một, đòi hỏi ta phải phân tích liên tục và hết sức chú ý. Một phi công khác đang bay phía trước ta bay thẳng vào vách núi và có vẻ như ổn thỏa. Ta có nên làm theo không? Hừm, hãy tự hỏi mình xem người phi công kia có phải là loại dày dạn kinh nghiệm không. Nếu ta ít kinh nghiệm hơn (hoặc không biết) thì chắc là ta ở vùng đèn đỏ khi bay quá gần như vậy. Hãy tự đặt mình vào phần an toàn nhất trong không gian mà ta vẫn có thể tiếp tục bay được chứ không phải là vào chỗ mà ta có thể bốc lên nhanh nhất. Cách này hạ bớt rủi ro đi khi mà ta đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng bay cần thiết.

TRANG THIẾT BỊ: Hãy nghĩ đến bộ giáp sắt ngày xưa. Bất cứ cái gì có thể nhét giữa ta và mặt đất sẽ giúp giảm mức độ rủi ro ở đây, và phải thuận tiện dễ dàng như là lôi cái ví ra khỏi túi quần. Hãy tự bảo vệ mình bằng mũ thợ lặn, giầy cao cổ có bọc mắt cá, lớp mút xốp đệm lưng thật dầy (đặc biệt là phần gốc sống lưng), bịt gối và khuỷu tay. Ta cũng có thể mang thêm túi khí cho chắc. Chắc chắn là ta trông sẽ giống như bị bông. Nhưng mà chắc là mọi người sẽ không phải nhìn ta lâu vì ta sẽ không lang thang lâu quanh điểm cất cánh đúng không nào? Dù dự bị là hết sức cần thiết, nhưng nó sẽ không giúp giảm bớt mức độ rủi ro chỉ vì ta đã mua nó. Ta phải học cách sử dụng, kiểm tra toàn bộ hệ thống dù dự bị một cách đều đặn. Mở dù một cách tình cờ cũng là những thời điểm rủi ro. Thông tin cho biết là 50% số dù dự bị mà tôi (tác giả) đã sử dụng trong khóa học gấp dù dự bị đều có vấn đề trong lúc mở dù, thường là do dải dây có gắn ‘sộp’, thiết kế đai ngồi không tiện dụng, hoặc sử dụng các dây chun ở nắp không đúng cách. Lỗi gấp dù thì ít phổ biến hơn, nhưng nó cũng cho thấy là cần phải hiểu rõ hệ thống dù dự bị trước khi nó có thể làm việc cho ta chứ không chống lại ta. Giữ liên lạc với những người khác bằng bộ đàm hay điện thoại di động sẽ có ích rất nhiều vì ta có thể chia sẻ thông tin và tìm cứu. Cuối cùng, một bộ GPS là vật hết sức hữu ích đối với bay XC, nó luôn cập nhật thông tin về tốc độ bay giúp giảm bớt mức độ rủi ro bị thổi về sau rặng núi trong điều kiện gió mà ta không nắm bắt được.

KHẢ NĂNG: Một số phi công là bẩm sinh, một số khác phải học một cách khó nhọc. Tiếc là, bản chất tự nhiên của con người cho là ta là những người thuộc lứa lớp hàng đầu cho đến khi ta phạm phải sai lầm. Có cách dễ dàng để vượt qua vấn đề này. Ngay cả khi ta có khả năng thiên bẩm bay lượn như chim thì cũng nên theo cách mà mọi người khác đang học, và đơn giản là ta có thể làm được điều đó tốt hơn:D. Bay nhào lượn tốt nhất nên bắt đầu bằng một lớp học kỹ năng xử lý tình huống trên không, và sau đó ta có thể phát triển năng lực của mình qua việc liên tục thực hành - ngày càng cao hơn. Sự hiểu biết và cảm nhận của ta được tích lũy cùng với cánh dù là hết sức quý giá. Có một cách nhanh chóng để nâng cao trình độ của mình đó là mang dù ra ngoài cánh đồng hoặc điểm bay dễ để tập các động tác điều khiển vòm dù. Cất cánh một cách ‘prồ’ là điều tuyệt diệu cho công tác quản lý rủi ro. Đó là bay khi ta muốn chứ không phải để cho cơn gió quyết định. Khi ta đã bay lên, cần hết sức chú ý vị trí của mình so với những dù khác.

Mức độ rủi ro chung của ta càng cao thì ta càng cần phải bay cao so với mặt đất hoặc vùng ép (compression zones), hãy giữ vị trí của mình ngang bằng với những dù khác. Khi ta mới làm quen với dù lượn, khả năng nhận biết nguy hiểm là hết sức hạn chế, chỉ có thể nhận ra là ta đang gặp rắc rối khi sự việc đã quá muộn. Đây là một lý do khác là tại sao ta phải bay ở trước vách núi, trước các phi công kinh nghiệm và người bay khóa đuôi (the skydogs) người sẽ ‘bay ra phía sau’.

KIẾN THỨC: Quan trọng nhất là kinh nghiệm ta thu được từ số giờ bay, cho nên nếu ta không phải là ‘thổ dân’ tại một điểm bay đó, nghĩa là rủi ro của ta là cao, trừ khi ta đã có hàng trăm giờ bay để dựa vào đó mà phán đoán. Trong những ngày không bay lượn, hãy tìm mọi thứ mà lý thuyết có thể giúp nâng cao kiến thức. Có nhiều sách tốt viết về bay dù lượn, thời tiết, và cấp cứu. Có các trang web về bay dù lượn, diễn đàn thư điện tử và cả những câu chuyện thời chiến tranh trong các quán ba cho phi công cũng chứa đựng ít nhiều thông tin bổ ích. Các khóa học bay XC, SIV và thi đấu sẽ bổ sung đầy đủ hơn vào bức tranh. Càng tham gia nhiều thì kiến thức của ta càng tăng lên và do đó giúp giảm thiểu rủi ro. Cũng cần nhớ là đến một lúc nào đó ta đôi khi đánh giá quá cao kiến thức của mình – đó là một ‘căn bệnh’ của con người. Đến một lúc nào đó ta sẽ ‘phạm sai lầm’.

GHÉP TẤT CẢ CÁC MẢNH VÀO VỚI NHAU: Ta vừa mua một cánh dù mới, một cấp cao hơn vòm dù ta thường bay. Nghĩa là phần CÁNH DÙ của ta là màu đỏ (cánh dù mới + mới chuyển cấp dù). Vậy ta làm thế nào để giảm mức rủi ro của mình xuống? Chọn các yếu tố một cách thận trọng và kỹ lưỡng - đến ĐIỂM BAY nào an toàn nhất để bay vào ngày hôm đó, ít chấp nhận rủi ro về THỜI TIẾT hơn bình thường, coi KHẢ NĂNG của ta là loại yếu kém hơn thực tế và chịu khó bay ở mức đó, tìm hiểu càng nhiều càng tốt KIẾN THỨC về cánh dù này, đánh giá của DHV, và điểm bay, đặt thêm một số trang thiết bị giữa ta và mặt đất.

Tất cả đó là về việc đảm bảo có đủ số 'đèn xanh' khác trên bảng điều khiển trong mọi lúc và như vậy ta có được một cận biên an toàn.

Nguồn: http://eternitypress.co.za/freshair/risk.htm