Câu lạc bộ dù lượn Hà nội - Hanoi Paragliding Club
Giới thiệu | Huấn luyện | Thiết bị | Thời tiết | Thành viên | Diễn đàn

 
 

 

Huấn luyện

Xẹp vòm dù ở độ cao thấp - Nguy hiểm nhưng có thể loại trừ được
Bùi Thái Giang dịch

Xẹp vòm dù ở độ cao thấp là một trong những nguyên nhân thường gây tai nạn nhất trong dù lượn. Nếu ta phân tích tình huống này một cách khách quan thì có thể thấy là có thể loại trừ được xẹp vòm dù ở độ cao thấp ngay cả khi điều đó có nghĩa là ta phải hy sinh sự thỏa mãn mà chuyến bay mang lại hoặc kiềm chế ‘cái tôi’ trong ta.

Hầu hết các phi công dù lượn có kinh nghiệm đều nghe nói, thấy hoặc đã từng bị xẹp vòm dù ở độ cao thấp. Trong nhiều lần việc xẹp vòm dù này không dẫn đến bất kỳ hệ quả nào, nhưng một số thì gây ra sự cố hoặc tai nạn.

Thường thì ta sẽ dần quên các vụ việc này, hoặc nếu là ai đó thì ta sẽ tìm ra cách lý giải sự việc một cách ‘đúng đắn’ về những gì người ta đã làm sai và tất nhiên là lý giải tại sao nó không bao giờ xẩy đến với chúng ta.

Cá nhân tôi (Luis Rosenkjer - tác giả bài viết) mỗi lần có một tai nạn, tôi tự hỏi liệu có phải chúng ta đang chơi trò may rủi ở đây không và hay tất cả những gì ở đây chỉ là may mắn hoặc liệu rủi ro có thể quản lý được chăng. Cũng như mọi người trong chúng ta, tôi tự hỏi liệu ta có nên tiếp tục nữa không. Và đối với hầu hết chúng ta, sau mỗi lần phân tích như vậy ta đi đến kết luận là ta có thể quản lý được các rủi ro này và ta có thể giảm thiểu chúng xuống mức chấp nhận được và các rủi ro này là giống như những gì có thể gặp phải trong chơi đua mô tô hay trượt tuyết. Tôi hy vọng là tôi không nhầm lẫn và tự lừa dối mình như một số người ‘ngoại đạo’ đã nghĩ rằng chúng ta những người chơi dù lượn là vậy. Ta thường giải thích và biện hộ về những cách hành xử phi lý bằng những giải thích hợp lý. Ta thường gặp một số phi công cực kỳ cẩn trọng, và ngược lại cũng thường gặp các phi công có thái độ quá tự tin, là một điều cực kỳ nguy hiểm mà chính bản thân người phi công đó cũng không chịu thừa nhận.

Xẹp vòm dù ở độ cao thấp, là cách mô tả một tình huống thường gây nhiều tai nạn trong dù lượn nhất. Nếu phân tích tình huống này một cách khách quan, ta có thể thấy là có thể ngăn ngừa việc bị xẹp vòm dù ở độ cao thấp ngay cả khi mà đôi lúc điều đó có nghĩa là phải hy sinh niềm vui được bay hay kiềm chế cái tôi của bản thân mình. Trừ khi cất cánh và hạ cánh, ta không cần phải bay thấp dưới 60-80m so với mặt đất. Đây là độ cao tối thiểu để mở dù dự bị mở hoàn toàn trong trường hợp khẩn cấp.

Ta cũng không buộc phải cất cánh nếu thấy nghi ngờ có khả năng bị xẹp vòm dù là cao. Và khi hạ cánh thì có nhiều cách để giảm thiểu rủi ro bị xẹp vòm dù xuống mức gần bằng không.

Dần dần ta trở nên có ý thức đầy đủ hơn để bay thấp gần mặt đất chỉ khi trong các điều kiện gió thổi cực kỳ phẳng và đều hoặc nói khác đi là khi hầu như không có rủi ro của xẹp vòm dù. Và ta chỉ nên bay trong điều kiện gió nhiễu loạn khi điều kiện cho phép bay với độ cao đủ lớn để có thể phục hồi sau khi bất ngờ bị xẹp vòm dù trước khi xuống quá thấp để cánh dù kịp khôi phục trạng thái bình thường hoặc để mở dù dự bị.

Kinh nghiệm thực tế và sự cẩn trọng mách bảo chúng ta là đừng có cất cánh nếu sức gió và/hoặc hướng gió thay đổi nhiều trong một khoảng thời gian ngắn. Và lời khuyên của cá nhân tôi là hạ cánh bằng cách ‘cụp tai voi’ nếu gió bắt đầu nổi lên khi mà ta đang ở trên không.

Tóm lại, rủi ro nằm ở chỗ khi kết hợp cả 2 tình huống mà một cách riêng rẽ không nhất thiết chúng bị coi là nguy hiểm: bị xẹp vòm dù và độ cao thấp. Không thể lập một danh sách đầy đủ các việc ta phải làm hoặc không nên làm để có thể bay mà không có rủi ro tẹo nào. Chúng ta, từng cá nhân phải cảnh giác và có khả năng dự liệu trước tình hình. Không khí là một môi trường mà ta không có cách gì nhìn thấy được; ta cần hiểu nó hoạt động như thế nào để có thể diễn giải các dấu hiệu và dự lường các tình huống không mong đợi với độ chính xác cao nhất.

Những ai đã dự khóa huấn luyện về an toàn của tôi [Luis Rosenkjer - tác giả bài viết] đều biết rõ là phần ‘các chú ý về vấn đề an toàn’ thường kéo dài trên 2 giờ, và chúng ta đều nhận thức được rằng ta vẫn sẽ phải giải quyết vấn đề này với khả năng xảy ra là 100% . Vấn đề ở đây không hề nhỏ chút nào.

Không nghi ngờ gì rằng người phi công dễ bị tổn thương nhất là người có ít kinh nghiệm và có tham vọng tự mình bay. Tất cả chúng ta đều đã qua quá trình như thế; với cá nhân tôi, nó xảy ra cách đây 17 năm, khi tôi chẳng có phi công giàu kinh nghiệm nào để học hỏi cả. Phải thừa nhận tôi thật sự là may mắn khi đó. Không phải tất cả mọi phi công mới đều hiểu rõ điều này, quá trình học dù lượn, không phải dễ mà đốt cháy giai đoạn, có khi phải mất đến 5 năm để bay được như người phi công đã bay được 5 năm.

Tôi đã gặp một số phi công hiểu được vấn đề này, tìm cách tránh phải rơi vào tình huống rủi ro đáng sợ trước khi gặp phải lần đầu thế nào là sợ. Thường những phi công này quyết định không bay trong những “điều kiện bay nghi vấn” trong khi những phi công khác thì bay và không gặp phải các tình huống gây sự cố, trong trường hợp này họ bị coi là đã bỏ lỡ một cơ hội bay thú vị.

Trừ khi có cách nào đó để thưởng cho quyết định sáng suốt của họ, những người này sẽ khó mà quyết định không bay nếu trong những lần sau đó họ gặp “điều kiện bay nghi vấn” tương tự. Sức ép của các thành viên khác về việc phải có thái độ cẩn trọng là một trong những cách để giảm rủi ro và tai nạn.